Bác sĩ đưa trái gấc Việt Nam ra thị trường quốc tế
Từng tham gia nghiên cứu nhiều đề tài tại Viện Quân y 108, bác sĩ Nguyễn Công Suất hiểu rõ giá trị, lợi ích của quả gấc và tạo ra những sản phẩm hữu ích, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Công Suất từng là một bác sĩ tại Viện Quân y 108, tham gia nghiên cứu đề tài khoa học: "Dùng gấc để chữa ung thư gan và ngăn chặn tác hại của chất độc dioxin". Hơn 20 năm nghiên cứu trái gấc giúp ông hiểu rõ về giá trị và lợi ích mà loại quả này mang lại.
Năm 2001, ông thành lập Công ty Chế biến Dầu thực vật và Thực phẩm Việt Nam (VNPoFood) với lĩnh vực chính là nghiên cứu và chế biến các sản phẩm từ trái gấc, trong đó có dầu gấc viên nang Vinaga. Ông Suất được mệnh danh là "ông vua gấc" hay "bác sĩ của bà con trồng gấc", người đầu tiên đưa trái gấc Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Bác sĩ Nguyễn Công Suất và những viên dầu gấc viên nang. Ảnh: vinaga.
Để có nguồn nguyên liệu gấc đảm bảo, từ năm 2001, ông đứng ra gây dựng vùng nguyên liệu ở một số xã thuộc huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Tại đây, ông có nhiều cơ hội tiếp xúc và trò chuyện cùng những người nông dân và dần thấu hiểu những khó nhọc của họ khi làm ra sản phẩm mà không biết bán cho ai.
"Mỗi hộ gia đình ở Thanh Hà, tôi chỉ hướng dẫn họ tận dụng bờ rào, bờ ao hoặc những vùng đất gồ ghề để trồng gấc. Tôi không yêu cầu người dân bỏ ngô, lúa chỉ để trồng loại cây này bởi khả năng rủi ro lớn. Lúc đầu, mỗi nhà trồng trên dưới chục cây, mỗi khóm cây một năm mang về từ 300.000 đến 500.000 đồng, như vậy họ cũng thu nhập thêm 3-5 triệu đồng mỗi năm", ông Suất chia sẻ.
Mỗi khóm gấc có thể cho thu nhập thêm 300.000 - 500.000 đồng một năm. Ảnh: Bizmedia.
Trồng gấc từ những năm 2001, nguồn thu nhập 300.000-500.000 đồng có ý nghĩa lớn với các hộ nông dân. Từ số tiền này, họ có điều kiện nâng cao đời sống và đầu tư cho tương lai của con cái. Hiện, tại huyện Thanh Hà, nhà nào cũng biết trồng gấc và thu lãi hàng chục triệu đồng mỗi năm. Khi sản phẩm Vinaga bắt đầu phát triển, ông Suất cũng mở rộng vùng nguyên liệu ra các huyện khác của Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên…
Bên cạnh đó, ông còn mời các nhà khoa học, giảng viên Đại học Nông nghiệp xuống tận vườn hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Sản phẩm đều được công ty thu tại vườn. Tại mỗi tỉnh, thành phố, ông đều có hợp đồng bao tiêu sản phẩm thông qua đại diện các ban, ngành, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội làm vườn...
Quả gấc có nhiều giá trị dinh dưỡng cao. Ảnh: Bizmedia.
Hiện nay, công ty dành 60% sản phẩm phục vụ thị trường trong nước, 40% còn lại cho xuất khẩu. Giờ đây, trồng gấc trở thành cách thức làm nông nghiệp mới, phát triển xuất khẩu nông sản và tăng thu nhập cho người nông dân. Từ trái gấc, ông Suất đã sáng chế ra nhiều loại tinh dược có tác dụng phòng chữa bệnh ưu việt.